Miền Đông tây bắc Việt Nam: Tôi đi - Tôi thấy - và Tôi yêu

Vô cùng cám ơn Thế Hệ Trẻ đã dẫn chúng tôi đi đến cùng trời cuối đất của quê hương. Cho chúng tôi món ăn tinh thần vô đối. Món ăn thực đời thường cũng được chăm chút tận tình. Nơi ăn, dù chỉ là quán bên đường thực phẩm được chọn lọc, luôn nóng sốt và tươi mới. Tào Tháo không có dịp đuổi đi cho Trương Phi đuổi lại. Hay khiến ai đó trúng gió cảm lạnh ấm ớ dọc đường. Chốn ở. Có nơi hai sao, có nơi không sao (nhà dân) hay nhà khách. Mọi người đều thoả thuê. Đoàn như trẻ nít, ngày được chơi vui chơi, tối được ăn ngon sạch, đêm về giường gối chiếu chăn ấm áp, tắm táp nước nóng tràn trề… Như con cá nó sống vì nước.Thoả sức mà vẫy vùng. Sang đến ngày thứ hai, tôi bảo ông Hiển. Hôm nay em thấy mình đã có lời rồi !!!Cám ơn ông anh liền kề, đã rủ tôi.:”Anh em mình đi một chuyến nghe”.

Ngày ấy, con bé mắt ốc nhồi tóc cắt bum bê, lũn cũn theo chân bố mẹ xuống tầu há mồm vào Nam. Lên tầu lớn hải quân Hoa Kỳ, xém rớt xuống biển, chân trẻ không đủ bước cho một bậc thang cao. Ông lính thuỷ đen như lọ chảo to cao hơn thần đèn, nhanh tay tóm được. May thế, không thì cứ gọi là mất xác… Năm ấy, nàng cũng chưa đủ lớn để được gọi: này cô em Bắc kỳ nho nhỏ tóc cắt kiểu demi-garcon nhìn anh đi hãy nhìn cho rõ trước khi vào đám đông... như lời một bài hát lãng mạn năm nào.

Ngày ấy Bắc Việt là gì ở đâu tôi chẳng biết. Sông Lô, sông Thương, sông Kỳ Cùng, sông Gianh, sông Hồng, sông Bến Hải, v.v... sông. Những tên sông gần gũi nhờ học môn địa lý hàng ngày dưới mái trường tiểu học. Học mãi mà thành quen. Như trong rừng người ta đi mãi thì thành đường mòn vậy… Sông xa xôi tít mù, ở đẩu ở đâu ấy. Tôi không biết.

Nhớ Hà Giang điểm đến đầu tiên với chiếc bắp ngô nướng ăn trong tiếng mưa rơi trước cửa khách sạn. Ở đây có cô nàng hạt dẻ và cô bán ngô, nhìn vẫn còn ngây ngô mà trên vai đã bên gánh con thơ, bên chàng chồng trẻ. Nàng xinh xinh, chàng cao gầy. Nướng nướng, gói gói. Buột miệng bảo lấy chồng sớm làm chi để lời ru thêm buồn. Nàng dẩu mỏ cãi: có con vui lắm cô ơi. Ừ vui. Vui nhất lúc này đây bên bếp than rực lửa trong đêm giá rét với khoai, ngô nướng thơm lừng lẫy… và khách hàng chen chúc tìm hơi ấm ở chung quanh.

Tôi chẳng phân biệt được Kinh với Tầy hay Nùng, Dao, H’Mông đỏ, Lô Lô. Nghĩ vui những Lô Lô chẩy, Dao Đỏ, Mán Sơn Đầu, Choang, Thái đen, Thái đỏ, Thái trắng, v.v... Thái với Nùng trong những bộ cánh độc đáo của người miền cao sẽ là cổ tích, chầm chậm, bước ra từ trang sách cũ nói nói cười cười… như ngày xưa còn bé, mê mẩn đọc Ngàn lẻ một đêm với nàng Saragiá mỗi đêm nàng chiên bốn con cá tượng trưng bốn sắc dân. Khi lật sang phía bên kia cho cá chín đều, nàng đều bị cha mọi đen vén tường bước ra bê chảo thẳng tay hắt cá đi…

Giờ đây ở đời thường. Những người dân tộc ấy, ăn mặc y như mình. Nói năng y như mình, ăn uống bán buôn y như mình… Chỉ âm thanh giọng nói lơ lớ cưng cứng. Ai Kinh ai dân tộc. Ôi phân biệt mà làm chi. Họ có cái thua. Nhưng cái thật thà – như lời ông bà dậy – thật thà là cha quỷ quái – thì mình thua họ xa. Đuổi theo thì đuối vì chẳng biết phải bắt đầu lại từ đâu.

Lại nhớ. Việc nhà bận quá. Kệ cho ông Hiển lo liệu thu xếp chuyến đi. Ổng hô đi là đi, là vác ba lô lên vai. Ba giờ rưỡi sáng Tân Sơn Nhất trực chỉ. Thấy mình ngu thôi là ngu và lòng thiệt không tin Thế Hệ Trẻ làm ăn ra trò trống. Tên nghe lạ hoắc mà giá tour rẻ đến bất ngờ. Là điều không ổn. Tour thế sao sánh nổi các bác sao mai sao hôm Saigon Tourist hay Vietravel? Xuống Nội Bài. Lên xe ngồi chưa ấm chỗ. Nghe đường trường xa đi thêm 300 km nữa mới tới Hà Giang. Oải. Mẹ ơi miệng thầm kêu khổ. Đã thế, ngoài trời rét mướt, hạt mưa to nhỏ bay bay. Đi chơi núi cao hang sâu rừng thẳm mà thời tiết kiểu ni, rầu rầu quá. Thôi rồi Hợi ơi !

Dọc đường gió bụi, ghé cơm quán bên đường có tên Ba Chữ Lòng. Tên quán nghe mắc cười và khiến ai đó (có cả mình) nghĩ tào lao. Dè đâu Ba Chữ Lòng khá quá. Rau xanh, cá suối, gà đồi cơm nóng canh ngọt. Siêu siêu ngay một chữ Lòng. Bà chủ quán trẻ măng quần bó, áo mùa đông da trắng tóc hoe hoe mầu hạt dẻ mặt tươi như hoa, ríu rít như chim hót. Một khách xuống xe là một dù xanh đỏ che mưa chạy ra đón cấp kỳ. Tiếp thị ra tiếp thị. O bế ra o bế! Quán - nhà gỗ to đùng vân vi rồng phượng chim chóc trạm trổ tùm lum… Mấy khứa giai lão trong đoàn khè khè nâng chén rượu ngô. Anh, tôi vui đáo để, tứ hải giai huynh đệ là đây, ngoài trời tí tách tiếng mưa rơi. Kệ.

Vứt xuống cống anh hiệu trưởng Sầm Đức Xướng trường THPT Việt Vinh huyện Bắc Quang, đã lưu xú sử xanh vì xơi và cống các cháu gái học trò nghèo cho quan đầu tỉnh. Hà Giang người và cảnh đẹp mê hồn. Không chê vào đâu được.

Cao nguyên toàn núi đá dựng đứng tai mèo, mênh mông một màu trắng xám. Có chỗ lô nhô non trẻ nhú lên như mầm đá. Núi liền núi, mây liền mây trùng trùng điệp điệp. Mầu núi theo mầu nắng nhẩy múa. Lúc xanh ngắt, lúc tím tái. Đất trời như đưa hồn người lên ngất ngây trìu mến.“Anh sẽ đưa em về nơi chân trời tím…” mới nghe tưởng xạo sự mà có thật đó chứ. Mây xanh trên núi tím trước mắt kia kìa…

Ngày thứ hai đất như rũ sạch cơn mưa. Trời hơi thiếu nắng, nhiều vầng mây xám vẫn quẩn quoanh đỉnh núi. Thoắt cái gió nổi mây tan. Nắng trời lên rực rỡ. Đời người tan tan hợp hợp. Bèo dạt mây trôi, trăng tròn rồi khuyết, hoa nở để tàn. Cú nhất là người gặp để ly biệt huhuhu.

Bắc Quang… xe chạy như con rùa giỏi trèo, bò qua đỉnh Hoàng Su Phì mà không thở ỳ ạch. Đường thiên lý xa vời. Cảnh đẹp hùng vĩ. Hoá dại không đóng được mồm, tôi luôn kêu “ối giời ơi”...Chẳng riêng tôi, cả xe cao hứng như hoá rồ. Thế Hệ Trẻ fair play cho ngưng xe ở những cung đường đẹp. Khách tha hồ trèo leo lên xuống. Ráng ráng thu cho đầy ống kính những cảnh không đâu có. Bộ phim Avatar, hãng phim Mỹ 20th Century Fox và Lightstorm Entertainment quay tại New Zealand với chi phí 413 triệu USD nếu được quay ở đông bắc cảnh đẹp, núi non hiểm trở chưa chắc ai thắng ai!

Bắc Quang khép lại với cao nguyên đá Đồng Văn. Cao nguyên toàn đá trải rộng trên bốn huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc. Đường thiên lý quanh co, xe chạy vòng vèo dưới chân núi đá vôi thiên hình vạn trạng. Nhiều ngõ hẻm thiên nhiên hình thành từ khe thung lũng lãng mạn vô cùng cùng. Sông, suối uốn lượn, lẩn khuất sau núi non, trong rừng cây vẽ lên bức tranh sơn thuỷ đẹp nghẹn ngào. Non sông cẩm tú là đây. Giang sơn gấm vóc là chốn này. Không yêu nước, không thương nòi, không khói buồn vương bay lên cây sao được?

Lang thang trong dinh thự vua Mèo - Vương Chí Sình ở Sà Phìn phía sau cột cờ Lũng Cú. Đi trên những bậc thang đá tròn lên xuống trước cửa nhà vua. Nhìn khung cửa sổ hoa văn cực kỳ chi tiết, dưới chân cột gỗ những phiến đá đẽo gọt công phu. Người dẫn đường kể chuyện nhà làm mất tám năm. Người xưa xây dựng và tính toán tựa thần nhân. Tay không, chân đất ở chốn cùng trời bán khai bán địa dân trí sơ sài như người tiền sử mà lưu lại cho hậu thế tác phẩm để đời.

Nhà cũ, ngói xưa, đá ngàn năm thiên cổ. Đồ đạc, tủ thờ, tủ gỗ, phản nằm, bàn đánh bạc, giá gác súng,v.v... sao quá sức tầm tầm. Gỗ xấu không thua gỗ tạp. Thợ mộc sơn phết đóng vụng về xộc xệch. Vua Mèo giang san một cõi xài hàng độc, đời nào ấm ớ xài hàng chợ. Nội thất thứ thiệt xứng tầm ngôi nhà, chắc đã chim thiên di nằm im đâu đó ở một phủ chúa, cung vua thời @. Vách ngăn cửa sổ, hòn đá kê cột nhà… tất tất trạm trổ tinh vi nâng lên đặt xuống. Nơi vua ở, vật dụng dĩ mục quan chiêm phải diễm lệ trân quý đến dường nào.Nhà vua Mèo không dỡ được. Dỡ được là xong phim. Ma ăn cỗ nơi nao ai mà biết được.

Tiếc. Chẳng kịp ngắm hai quả núi đôi nổi tiếng của Hà Giang. Xe bon nhanh nhanh trên đồi Mã Pì Lèng cheo leo, hiểm trở. Không khí trong veo như lọc, ngồi xe cả ngày, đi cả ngày đường chẳng ai thấy mệt. Lên xe xuống xe như ròng ròng ở cái tuổi lên chức cụ mà cả đoàn tươi hơn hớn. Mọi người như trở lại, đối với nhau bằng cái tâm nhân chi sơ tính bổn thiện. Phải chăng thiên nhiên đã đưa tâm bá tánh quay về chốn dung dị bình yên, khi cảm thấy mình nhỏ bé khờ khạo yếu đuối trước sự hùng vĩ uy nghi của non nước đất trời… Thấy mình nhỏ bé là lúc mình thực sự lớn lên. Ông Khoa nói câu này như thánh nói. Hay quá!


Lũng Cú thung Tiên. Lũng Cú: Thung lũng thì cú nhưng cảnh cứ như tiên (lời ông Khoa). Trời đã về chiều. Đường lên cột cờ gió thổi lộng vành tai. Ông dẫn đường cười cười bảo leo hơn trăm bực là đến cột mốc nơi biên ải. Uầy, trăm bực thang là cái đinh rỉ, nhằm nhò gì… Bác Phong leo phăng phăng dù số bậc thang hơn tuổi bác mười tám bậc. Ủa leo hoài nẫy giờ cả trăm bước chân mà lá cờ vẫn phần phật ở trên cao. Ông Hiển là khôn ngoan nhất, ổng đi lặng thinh. Té ra vừa đi vừa đếm. Tới bậc thứ một trăm cụ tôi kêu toáng lên ăn quả lừa rồi. Quả lừa ngon ngọt thiệt. Ai có diễm phúc đặt chân lên mảnh đất cuối cùng non nước Việt đều tự hào đã tới được nơi đây. Ôi tôi yêu nước tôi quá! Nước tôi mỹ miều đẹp đẽ thế này bảo sao láng giềng không rắp tâm chiếm đoạt.


Bắc Việt với tôi. Hôm qua còn xa lạ. Mà hôm nay sao quá đỗi yêu thương. Người dẫn tour kể rằng dấu ấn biên cương Việt Nam không phải là cột cờ Lũng Cú này đâu. Biên cương tổ quốc ta ở phía trước cột cờ Lũng Cú. Dẫy núi xa mờ là bức trường thành thiên nhiên phân chia ranh giới chắc nịch. Sau núi là dòng sông Nho Quế uốn quanh. Con sông đẹp như tên gọi. Mầu nước xanh ngăn ngắt dịu dàng nhìn xa như tấm khăn quàng cuốn quanh chiếc cổ trắng nõn nà của cô gái thanh tân. Làng quê nhỏ ven sông, vài chục nóc nhà tranh. Những đống rơm rạ mầu sin sỉn nhìn xa lô xô như bát úp. Cảnh thanh bình yên ả cho ta một minh định tuyệt vời: Nam quốc san hà nam đế cư.


Tôi cũng nghe kể về xóm làng nhỏ bé bên bờ Nho Quế ấy. Dân xóm nghèo cầy sâu cuốc bẫm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, quanh năm rét mướt nhọc nhằn trong giá lạnh lúc đông về, phơi lưng trần ngày nắng trưa hè lửa. Kiên định đồng lòng một tấc không đi một li không rời. Nhất định không chịu lùi bản làng mồ mả ông cha mình vào sâu hơn về phía sau. Mặc cho ai đó ngả nghiêng nói lời mua chuộc. Lòng riêng tôi cúi đầu cảm tạ ân đức này. Dân nước tôi gìn giữ đất nước tôi ở chốn địa đầu biên ải chỉ với một tấm lòng quê mùa mộc mạc yêu nước sắt son trên tất cả mà thôi.

Đồng Văn. Chợ phiên nườm nượp váy áo chàm ken chỉ ngũ sắc tươi roi rói. Mặt mũi người mua bán hớn hở bên nhau. Xà vào hàng củ nghệ vàng rực rỡ, mùi nghệ thơm thoảng chợ đông người. Năm ngàn một cóong. Tha hồ đong. Nhà tôi cô Bưởi đau dạ dầy kinh niên… Sắn luộc buộc bằng lạt tre, vuông vức trắng phau phau xếp gọn lòng bao tải. Quê mùa chân chất chẳng thấy mất vệ sinh. Mắt chỉ thấy lạ, đẹp và ngon. Có gì bán nấy. Bán cho vui cho thoả lòng mình. Trong gùi vài cái bắp, dăm búp măng non, ít khổ qua, trái ớt rừng, một em gà nhép. Vui họp chợ là chính chủ. Mà thế thật từ bản làng xa xôi diệu vợi chỉ với đôi chân trần họ đi bộ từ tinh mơ khuya lơ cho đến lúc nhọ mặt người.


Trong chợ. Đông nhất chị đổi tiền ngồi bảnh chọe trên ghế nhựa, túi khoác phồng, tay cầm tệp tiền to. Đám đông vây quanh chẳng ai to mồm cứ từ từ chầm chậm là xong hết. Ồn ã sang trọng có anh bán đồ điện tử. Cửa hàng to vật. Đủ các loại: máy bay, tầu bò, rô-bốt, điện thoại, nồi cơm điện, quạt máy sạc pin chạy xoè xoè. Oách nhất bộ loa, tròn tròn dài dài như trống cơm, hoa nhựa dán quanh nhìn vui quá. Loa quần quật hát ồm ồm âm thanh chan chát. Người mua kẻ bán đi qua, dừng lại nghe tí rồi đi.

Đến Đồng Văn không vào hàng thắng cố là đi mà chưa đến. Len lỏi vào khu ăn uống to như cái đình có mái che. Bà con ăn uống xì xụp. Thắng cố sôi sùng sục trên bếp lửa reo vui. Nhiều anh giai mặt đỏ gay ăn chung bát thắng cố to ụ, mỗi anh một đôi đũa hay cái muỗng múc gắp, nhai nhai, nuốt nuốt, hay đáo để. Rất kết đoàn chúng ta là sức mạnh, kết đoàn chúng ta là sắt gang. Là sắt hay là thép, dù thép hay là gang cũng không bằng… thắng cố. Xin chụp cái hình, các anh à à vui như Tết. Một anh phân trần ăn thắng cố mà không có bánh mì phí quá… Sao mấy anh không mua? Có đến mua mà hết dzồi… hihihi. Vui quạ.

Bàn bên cạnh hai bà cháu nghèo ăn chung bát phở chỉ có bánh mà không có thịt. Con bé con ánh mắt hạnh phúc lấp lánh vui. Bà lão hư một mắt ăn chậm chậm. Bà nhường miếng ngon cho cháu thơ đây. Lại gần dúi tay bà ít trăm. Mong bà cháu vui ăn thêm quà khác. Các bà các cô đứng chôn chân nhìn say mê hoa tai vòng tay sáng choé với lỉnh kỉnh áo váy dù xoè. Chợ là vui. Chợ đâu đâu cũng vui. Thích chợ quá!!!

Ra chợ quen từ anh bán thịt đến chị hàng rau. Lâu lâu được nghe chuyện đời tôi kể. Vui buồn theo theo nhau. Sau này chợ mà mất đi thay bằng siêu thị thì đời người niềm vui mỗi ngày hao hụt ít nhiều. Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui. Ra chợ là vui khỏi chọn. Niềm vui mà phải chọn nghe chán bử xò – bỏ xừ… Thật đấy.

Chào Đồng Văn với nhiều lưu luyến.Tôi đi sông Gâm đây.

Càng đi sâu, chuyến đi càng diễm tuyệt. Cảnh vật đằm thắm lặng lẽ hé mở từ từ khác lạ trên từng cung đường. Thế Hệ Trẻ chịu chơi thuê tầu sắt từ Tuyên Quang ngược dòng sông Gâm lên đến Bắc Mê đón khách. Trên non cao, đầu óc nhiều thanh sạch, người xưa đặt tên đất tên núi tên sông nghe sao mà hay mà nho nhã đến thế. Những cái tên được nghe khi xướng lên. Ai sao không biết với riêng tôi tên nghe thánh thót tiếng chuông ngân. Ôi sông Quây Sơn, Nho Quế! Ôi Chi Lăng – ôi Ngõ Thề - ôi Ngườm Ngao, Ba Bể, Quỷ Môn Quan, núi Cô Tiên, đèo Mã Phục, Yên Minh, Yên Sơn… đinh đinh đoong đoong…


Sông Gâm: Bến thuyền trong vịnh nhỏ, từ ngoài nhìn vô, từ trong nhìn ra. Bến thuyền lọt thỏm trong quần thể núi đá vôi nhấp nhô trùng điệp. Bình minh sương khói lên khơi! (lời ông Khoa). Sông Gâm nước mây hoà lẫn, lòng người vui lâng lâng! Bộ khôn bằng ngựa thuỷ khôn bằng thuyền. Con tầu sắt to chở sáu mươi người. Đoàn chỉ có hai mươi mạng. Trên tầu chiếu trải hai hàng, chăn mền gối sạch sẽ. Ghế vài chục cái cho khách hàn huyên ngắm cảnh. Áo phao chất đủ đầy. WC xấu xí nhưng sạch sẽ không mùi hôi. Thuyền trưởng nhìn như Lỗ Trí Thâm đầu trọc tếu, cơ bắp nổi cục, rõ ra chất lượng sông nước giang hồ. Cả làng chẳng ai ngủ nghê dù tầu đi gần như cả ngày. Cảnh giới trên sông và hai bên bờ yên ắng tịnh liêu đổi thay từng khúc quanh như phim quay chậm. Chẳng ngôn từ nào diễn tả hết cảm xúc này. Phong cảnh vô đối từ tuyệt mỹ sang hùng vĩ. Thinh không mát lạnh, thanh sạch và hồn mình khi ấy là tờ giấy thấm, thấm chầm chậm hết thẩy mọi thứ ở chung quanh.


Nước đổi màu theo từng đoạn sông. Xanh như rong rêu, biếc như ngọc bích. Sông trôi qua nhiều bản làng người Tày, người Dao, người Mông. Khói sương tản mạn khắp cùng. Đầu sông, ngọn suối sương khói là đà bay. Cảnh thần tiên hơn tranh vẽ. Thầm nghĩ, chốn này một ông mà có hai bà hay hai bà chỉ có một ông thì - cũng vậy - cảnh nhà vẫn rất trong ấm ngoài êm. Dịu dàng thế nhẹ nhàng thế thần tiên thế… hơi đâu mà ghen tuông.


Chưa bao giờ đi du lịch mà lòng vui vẻ dữ vậy. Càng đi càng vui càng yêu người yêu đời. Thấy mình may mắn có phước. Bên cạnh niềm vui thấy rõ một nỗi buồn. Quê hương ngày nay diễm tuyệt đẹp nghẹn ngào nhờ cha ông ngày xưa bao xương máu đổ. Lúc nhu lúc cương. Lúc can đảm đương đầu châu chấu đá xe. Lúc cúc cung cống nộp. Tất cả là giữ yên bờ cõi, tránh cảnh lê dân đầu rơi máu chẩy. Thế nước tôi nhỏ bé chông chênh biên giới. Nhiều nơi cạnh liền cạnh, liền nối liền với nhà láng giềng quen cậy lớn hiếp nhỏ tâm địa hèn hạ xấu xa.


Cầu xin Phật trời phù hộ chúng con bền chí giữ sơn hà tiếp nối bước tổ tiên.


Tầu sắt chiều người, quay vòng vòng cho du khách chụp hình lấy cảnh. Hai ba lần tầu dừng hẳn, đưa cả nhà lên một bến thuyền xem dân trong vùng cưa gỗ trên sông. Khúc cây tròn to dài thượt nằm trong làn nước xanh rêu mát lạnh. Một ông cầm cưa máy, một ông xoay tròn thân cây. Vài phút là xong. Khỏi bê vác chân tay, không gồng người cho mạnh. Cưa như múa. Khéo tay không tưởng. Phục sát đất.


Hồ Ba Bể: Lung linh soi bóng (lại lời ông Khoa). Tầu ghé hòn đảo chơ vơ giữa hồ Ba Bể, cả đoàn hăm hở kéo nhau lên. Cây xanh tình hữu tình. Nhưng đã thấy có rác, bao nylon và vỏ bia bọt. Thiệt là tức giận lắm thay.

Sông Gâm ai đã đến một lần là một đời người không thay đổi lòng yêu.

Thác Bản Giốc. Nghe sao vương vương nỗi buồn. Tận thấy. Não nề thêm một cấp. Thác càng đẹp càng sầu bi tợn. Nhìn sang bờ bên kia váy xanh áo đỏ xí xô tung toé. Nhà cửa to, xây dựng ra tấm miếng. Trên bến dưới thuyền lớp lớp lang. Bờ bên ni. Muôn đời là khó nghèo tận tụy nhặt nhạnh và chắp vá. Thác đẹp chóng mặt luôn. Bọt nước tung bay, cao và xa. Trắng xoá. Mảng bè đưa du khách gần gần thác là quần áo ướt hết trơn. Càng nhìn càng say như người uống rượu say đến mềm môi. Thác Bản Giốc đẹp hết hồn vía. Khung cảnh hùng vĩ thơ mộng. Bản Giốc cảnh tiên vén mây mà ngó xuống! Tầng cuối thiên đường là đây thôi.

Lên chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc bằng xe Honda. Hai mươi khách hai mươi xế đưa nhau lên chùa. Chàng Kỳ - Việt kiều Mỹ. Rối rít chỉ tay vào cô sơn nữ… xế. Chàng muốn đi xe này vì cô em xinh quá xinh là xinh. Chàng bảo cô Hợi chụp cho Kỳ hình này nhé. Okie xong ngay. Xem hình sơn nữ xế đẹp thiệt. Mắt trong veo má hồng đào chạy xe lạng như dải lụa… Ôi Bản Giốc chưa về đã nhớ.

Hang Pắc Bó có chõng tre Hồ Chủ Tịch thường nằm. Chõng để chỏng trơ, không có hàng rào bảo vệ như bàn đá nơi bác ngồi viết lịch sử Đảng. Ui,hàng rào bảo vệ bàn đá nhìn thấy cũng kỳ kỳ vì nó xiêu vẹo và rỉ xét. Hang Pắc Bó đẹp, nhiều thạch nhũ, nước chẩy trong veo làm thành từng hồ nhỏ chứa nước. Không khí mát như thạch. Trước - Không thích hang Pắc Bó. Đến - thấy hang đẹp ngoài tầm ngắm. Lãnh tụ ta, chọn nơi này thật chí lý. Có nước, nước trong veo. Có hang, hang thoáng khí. Lối vào lối thoát – ngon. Vị trí hang hiểm trở nằm sâu trong rừng thẳm cảnh thơ mộng vô cùng. Bài thơ Lao Trung Lãnh Vận bác em phải chăng đã cảm khái mà sáng tác ở chốn này?

Suối Lenin – đá tảng ngăn đôi dòng thác. Ông Dũng bảo mọi người ráng lội qua, khỏi đi vòng lại vì xe đón đoàn chờ sẵn đầu bên đây. Đoàn qua suối chật vật trên những phiến đá trơn trượt ướt rêu. Tour gọi là khám phá mà toàn khứa lão. Nước suối đoạn này sâu khá sâu. Té không die. Khứa lão dòn xương, té bị thương là chắc. Té - quần áo ướt hết cũng hơi phiền. Bác Phong tuổi trên tám bó, tay chống gậy tre. Xa xa nhìn giông giống ông cụ. Hai bên cánh bác được phó tour guide Hải và nhiều người nâng đỡ. Bác qua suối. Thở cái phào. Thành công thành công đại cáo thành.

Động Ngườm Ngao. Ô tô dừng lại xóm bên đường, vẻn vẹn vài nóc gia. Đoàn ùa xuống, thấy mấy anh giai đẹp người dân tộc bê ra một đống ủng cao su. Ông Dũng lệnh cởi giầy, mang ủng thuê. Thay ủng, nhìn bà con oai phong lẫm liệt hẳn. Bác Phong được đặc cách thêm cây gậy đi đường. Cũng kiếm cho mình một gậy, thuê thêm cái nón mê, chóp cao. Chân ủng tay gậy đầu nón mê khoác thêm áo mưa cánh bướm mỏng. Nhìn rất Đường Sơn Đại Huynh. Con đường vào động đang làm. Thêm trời mưa, đất sét nhão nhẹt, quện dưới đế ủng, đi một lúc, cúi xuống gạt đất ra. Nếu không, ủng nặng, trì xuống và dễ ngã. Đôi ủng cực kỳ thuận lợi cho chặng đường vào động Ngườm Ngao. Phục Thế Hệ Trẻ quá.

Động có nhiều khối đá vôi chia nhiều khu hình thành nhiều cột thạch nhũ muôn hình vạn trạng qua bao triệu triệu năm bởi nước nhỏ giọt đọng lại mà thành. Lửa bốc lên cao, nước tràn xuống thấp. Muôn đời nước thắng lửa. Sáng tạo của thiên nhiên là đại đại vô địch và vô vô cùng tận. Nhiều khối đá hình thù kỳ lạ, sinh động. Nhiều cột đá lấp lánh trong hang nghe nói đá ở đây có nhiều tạp chất nên nhiều canxi. Hihihi hay ta cạo tí bột đá thạch nhũ uống ngay và luôn. Có khi nhờ vậy chân dẻo dai cứng cáp tha hồ mà đi chơi!.

Chúng từ dưới đất đùn lên. Chúng từ trên cao treo mình thả xuống. Nhiều huyễn hoặc, lắm ảo tưởng mộng mơ sẽ nhìn ra các kiểu lung linh độc đáo. Này hoa sen úp ngược. Này san hô mã não cột đá mọc đầy, này thiềm thừ cóc cụ ngồi chầu hẫu… Tôi thì nhìn ra nhiều nhất hình dáng con người bé li ti cao thấp hơn hai gang tay đứng ngồi lô nhô trên thạch nhũ như biểu tình. Không biết họ hoan hô hay đả đảo. Có tiếng suối róc rách đâu đây, vài ao tự nhiên, nước đến đầu gối, trong vắt to bằng mấy cái chiếu. Đi không để ý là xuống ao liền. Không khí mát lạnh dù đang mặc áo mưa.

Ra khỏi Ngườm Ngao, xà vào cái làng nhỏ tý ngay dưới chân động. Các mẹ trẻ, má đỏ hây hây, nhìn duyên đáo để. Các mẹ bán đồ chơi, đa số của tầu như mấy cái vòng đeo tay đeo cổ, vài đồng tiền xu. Mấy cái vòng chìa khoá. Có cả búp bê và gấu bông.Tôi mua hai con cá voi gỗ. Mình cá dẹo qua dẹo lại được. Mua cho vui người bán. Và vui luôn mình. Lưỡng cử nhất tiện lợi.

Đệ nhất hạt dẻ là đây. Chỉ có ở huyện Trùng Khánh đất biên cương Lạng Sơn, Cao Bằng. Siêu thị Lotte ở Saigon, lâu lâu có bán. Để tên hạt dẻ Trùng Khánh. Thích nhưng không mua, tưởng của Tầu. Bà con bảo mùa này Trùng Khánh đã qua mùa hạt dẻ. Hỏi làm sao phân biệt dẻ Việt với dẻ Tầu. À dẻ mình nhân mầu vàng. Hột to ăn bùi và thơm lắm. Trên đường ông Dũng muốn cho đoàn xem cây hạt dẻ. Cây chẳng còn quả để mà xem. Đến Ngườm Ngao, mua hạt dẻ. Được xem quả dẻ để trong thúng. Bù xù như quả chôm chôm. Nhặt quả dẻ là cả vấn đề. Bao tay dầy, chân dận ủng, đầu đội nón bảo hộ và cái gắp than là vật bất ly thân. Quả dẻ gai góc xù cứng ngắc đâm vào tay rất đau. Không thể tay không đi nhặt được. Chân mà dẫm phải nó về khóc ngất ngất mấy ngày. Vào vườn phải đội nón bảo hiểm. Nó rơi cả chùm vào đầu vào cổ không khéo đi nhà thương.Chắc vậy nên y áo phải nai nịt như người đi ra trận. Ông Dũng kể chuyện đập quả hay chặt quả lấy hột mà sơ sẩy nghe cũng thấy máu chẩy tè le vì gai dẻ…

Bù khú. Ăn chơi một hạt dẻ mà thấy người trồng người bán thiên nan vạn nan cực khổ dường nào. Tào lao nghĩ xưa thời Đường Minh Hoàng. Thích ăn trái Lệ Chi là trái vải đó. Lính Tầu phải qua nước Nam mua. Sức người sức ngựa phi như điên, chạy tiếp sức, cố cố đem trái vải còn tươi cành lá dâng lên cho ngài Ngự. Trái Lệ Chi ăn rồi cũng tèo vì nàng Dương Quý Phi đẹp quá. Vua tối ngày xem nàng ca múa. Sức nhiêu mà ra quân!!

Về Cao Bằng. Qua Lạng Sơn. Lạng Sơn Xưa và nay, tang thương hoà quyện, vật đổi sao dời! (lại lời ông Khoa). Ghé thành nhà Mạc thăm nàng Tô Thị. Đá mòn nhưng hồn chưa mòn giấc mơ. Nàng hãy đợi nghìn năm, rồi một nghìn năm nữa sẽ qua… Sắc vóc không còn như xưa. Nàng bi giờ mình đá, đầu ciment, linh khí mất thiêng từ ngày ấy. Thành nhà Mạc cũng khác nhiều. Xưa đường lên trường thành lồi lõm khó đi. Sau cổng thành là bãi cỏ hoang rộng lớn, cứt trâu bò vương vãi khắp nơi… Nhưng kỳ lạ, vượt qua cổng thành, cho ta cảm giác như dân xưa ấy, đang chạy loạn tưng bừng, lọt được vào thành là thấy toàn mạng sống. Ngày nay vào thành đi trên những bậc thang cách tân cải tổ đường đi lối lại khang trang. Thấy khang khác. Mới cũ chen nhau nhìn khập khiễng. Bông lau trắng xào xạc trong gió chiều. Thấy hồn mình buồn treo cây ngô đồng…

Chi Lăng Chi Lăng tiếng ai hò reo… Mồ Liễu Thăng không còn trơ gan cùng tuế nguyệt. Hồn xác đã vùi sâu thấm vào cỏ cây bóng quế. Mộ giờ là ruộng, dập dờn lúa vàng như sóng dưới chân Mã Yên Sơn mang hình chiến mã oai hùng. Vó câu lướt qua làn khói giáp chiến. Ngựa phi như sóng, vượt khe suối lướt rừng núi... Danh tướng xưa, chiến trường da ngựa bọc thây. Thương thay ai chiến thắng mà không hề chiến bại?

Liễu Thăng chết, dù thắng trận. Vua quan nước Nam cũng xẩu mình. Hàng năm, quốc khố mất khối vàng, tạc tượng Liễu Thăng to cao như thật đem qua triều cống kèm với trân châu mã não thuỷ phí sừng tê, ngà voi, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao… chưa kể nước mình phải cống thợ tinh hoa tài giỏi, sang xứ dậy mấy nị dầu cháo quẩy nghề mộc nghề gò. Chi Lăng Chi Lăng hùng anh mua tít gươm linh.

Môi tôi chạm nhẹ vào trường thành cổ, hồn tôi mơ về nơi xa xưa: “Lời ai phải chăng thần thánh, hồn ai phải chăng hùng anh, vì nước tuốt gươm đột xông, làm cho rõ giống tiên rồng". Ải Chi Lăng sừng sững trước mắt mọi người. Trong ráng chiều lời người kể chuyện làm rúng động tâm can đoàn du khách nhỏ nhoi. Ông Hiển cất tiếng hát Chi Lăng tiếng ai hò reo vang trời. Chi Lăng bóng ai tranh hùng muôn đời. Tiếng hát khàn đục đủ hai anh em đứng gần nhau nghe. Tôi muốn quỳ xuống dâng lên anh linh tiền nhân niềm thành kính vô biên trào dâng trong tâm mình.

Này đây núi Ngõ Thề. Quan văn quan võ, binh lính, mã xa... Người đi xứ, nghệ nhân bị cống. Khi cất bước ra đi. Đến Ngõ Thề thắp nén hương dâng lên tổ quốc vẹn tấm lòng son sắt không buông giáo quy hàng. Nhớ bài học Sử lớp ba. Trang sách vẽ hình ông Nguyễn Biểu ngồi bên bờ sông cạnh chiếc mâm trên bầy cái đầu người. Bài học có tiêu đề Cỗ Đầu Người. Tôi còn nhớ mãi đến hôm nay. Saigon có đường Nguyễn Biểu. Nhưng ít ai còn nhớ tích xưa này.

Đi là một sống mười chết. Với khí phách tướng lĩnh nước Nam, ông không hề run sợ. Đe dọa tinh thần sứ ta, tướng tầu Trương Phụ cho dọn cỗ tiệc đầu người. Ông cầm đũa ngà moi đôi mắt, nuốt một cách ngon lành: "Chẳng mấy khi người Nam được ăn đầu người Bắc". Trương Phụ bắt quỳ lạy, ông đứng thẳng không hề run sợ : "Ta là tôi của Vua phương Nam, ngươi là tôi của Vua đất Bắc; cùng là bề tôi cả sao lại bắt nhau quỳ?". Tướng giặc tức giận, sai quân đưa Nguyễn Biểu ra trói dưới chân cầu, chờ nước lên dìm chết. Người dân miền Nghệ - Tĩnh lập miếu thờ, suy tôn ông là Nghĩa vương. Tiết tháo của ông lẫm liệt. Đối trước giặc giữ lòng trung chỉ nghĩ đến Vua, trước vận suy của nước vẫn làm rạng danh quốc thể.

Ôi tiền nhân anh minh trí tuệ các Ngài đi vắng lâu quá sao mãi mãi vẫn chưa về.

Sứ Tàu ghét Quỉ Môn quan “Quỉ Môn quan, thập nhân khứ, nhất nhân hoàn”. Nghĩa: Tại Quỉ Môn quan, mười người (Trung quốc) ra đi (vào 
nước Nam), chỉ có một người trở về (Trung quốc).

Đường ải nhỏ hẹp, đá núi hiểm cao, khe sâu, nước độc không thể ăn uống, rừng rú rậm rạp, thế hiểm ác. Lam sơn chướng khí rất nhiều. Núi đá như đầu ma quỷ, hai con mắt rõ ràng. Sứ bộ Tầu sang sách phong, ghét tên ấy, đổi gọi là “Úy thiên quan” ý muốn nói cửa quan sợ thiên triều? Sách ấy lại nói rằng: “Người nhà Tấn sang Giao Chỉ, đều qua Quỉ Môn quan, mười người đi, chín người không trở về" :

“Quỉ Môn quan, Quỉ Môn quan...
Thập nhân khứ, nhất nhân hoàn”
Sứ Tàu qua đó nghe mà “rét”
Mới đổi gọi là “Úy Thiên quan”

Bảy ngày qua thật nhanh, một ngày qua đi là một ngày tiếc nhớ. Tôi có duyên đi nhiều. Chỗ này nọ kia ấy. Nhưng thật lòng chưa có chuyến đi nào rúng động tâm can như chuyến đi miền Đông tây bắc Việt Nam này. Cảnh đẹp hoang sơ, núi non hùng vĩ, sông sâu, suối xa. Thung lũng, thảo nguyên ngút tầm con mắt. Bạt ngàn cao nguyên đá. Núi tai mèo, núi đá vôi. Núi sông liền một giải. Thêm bầu không khí nhẹ hẫng mát lạnh thanh, sạch của non cao đã tiếp thêm sức mạnh và sự dẻo dai háo hức cho khách đi đến hết cung đường. 

Với tôi – tâm cảm nhất những buổi nói chuyện ngoài trời. Trên đường đi vào làng cổ chợ Đồng văn, dừng chân nhà vua Mèo. Lắng nghe hồn dân tộc qua câu chuyện Ải nam Quan. Ngõ Thề, sông Thương nghe thấy là thương. Bản Giốc, Lũng Cú, Mã Pì Lèng, Quỷ Môn Quan. Tô Thị Kỳ Lừa. Cao Bằng Hà Giang… Trang sách mở ra, sử xanh tràn về. Lòng biết ơn tiền nhân đầy tâm khảm. Những tên gọi núi non, sông, suối. Miền đất xa được gọi dậy từ bài học địa lý ngàn xưa. Bao nghĩ suy, bao tâm nguyện, bao ao ước mơ xúc động ngập ngập tràn.


Vô cùng cám ơn Thế Hệ Trẻ đã dẫn chúng tôi đi đến cùng trời cuối đất của quê hương. Cho chúng tôi món ăn tinh thần vô đối. Món ăn thực đời thường cũng được chăm chút tận tình. Nơi ăn, dù chỉ là quán bên đường thực phẩm được chọn lọc, luôn nóng sốt và tươi mới. Tào Tháo không có dịp đuổi đi cho Trương Phi đuổi lại. Hay khiến ai đó trúng gió cảm lạnh ấm ớ dọc đường. Chốn ở. Có nơi hai sao, có nơi không sao (nhà dân) hay nhà khách. Mọi người đều thoả thuê. Đoàn như trẻ nít, ngày được chơi vui chơi, tối được ăn ngon sạch, đêm về giường gối chiếu chăn ấm áp, tắm táp nước nóng tràn trề… Như con cá nó sống vì nước.Thoả sức mà vẫy vùng. Sang đến ngày thứ hai, tôi bảo ông Hiển. Hôm nay em thấy mình đã có lời rồi !!!Cám ơn ông anh liền kề, đã rủ tôi.:”Anh em mình đi một chuyến nghe”. 

Lòng nhủ lòng, sẽ thu xếp để có thể tháp tùng. Theo Thế Hệ Trẻ trên những cung đường khác. Quỹ thời gian của anh em tôi không còn nhiều. Nhưng tôi biết chắc tôi còn đi, tôi cứ đi và tôi cứ yêu. Yêu mãi mãi những chuyến đi dù chân mềm gối mỏi. 

Cám ơn Thế Hệ Trẻ.Công ty Du Lịch number one.


Tác giả: Nguyên Hợi

© 2018 thiết kế bởi Thiết Kế Web Số